Vườn quốc gia Tà Đùng, tỉnh Lâm Đồng là điểm sáng trong phát triển rừng gắn với bảo tồn đa dạng sinh học. Trước những thách thức từ biến đổi khí hậu, cháy rừng và nạn xâm lấn đất rừng, Ban Quản lý Vườn đang cùng các tổ chức, người dân triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để “vá rừng”, mở rộng diện tích tự nhiên...
Lãnh đạo Ban Quản lý Vườn quốc gia Tà Đùng cùng các tình nguyện viên trồng cây phân tán tại vùng đệm
Vườn quốc gia Tà Đùng có tổng diện tích tự nhiên khoảng 21.000 ha, với tỷ lệ che phủ lên tới 85% diện tích vùng lõi, rừng nguyên sinh hơn 48% và hơn 36% rừng thứ sinh các loại. Đây là nơi giao thoa về địa lý và sinh học giữa khu vực Nam Tây Nguyên với Đông Nam Bộ, có giá trị quan trọng trong bảo tồn các loài gien đặc hữu và phòng hộ môi trường sinh thái.
Những năm qua, song song với công tác quản lý, bảo vệ rừng, Ban Quản lý Vườn quốc gia Tà Đùng còn nỗ lực phát triển rừng và đạt nhiều kết quả tích cực. Từ năm 2014 đến nay, đơn vị trồng được gần 620 ha với hơn một triệu cây xanh. Để đạt được kết quả này, ngoài nỗ lực của Ban Quản lý Vườn còn có sự chung tay, góp sức của các tổ chức, người dân sinh sống tại khu vực vùng đệm. Già làng K’Hô, xã Tà Đùng cho biết, ngoài công tác phối hợp quản lý, bảo vệ rừng, hằng năm ông cùng người dân trong bon luôn tích cực trồng cây, gây rừng.
Chỉ riêng năm 2024, hưởng ứng Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” của Thủ tướng Chính phủ, Ban Quản lý Vườn phối hợp người dân trồng 16.500 cây phân tán tại các khu vực trồng làm giàu rừng ở các vị trí rừng nghèo kiệt, chung quanh trụ sở Ban Quản lý, dọc trục Quốc lộ 28 và hỗ trợ trồng cây tại các công trình công cộng, đường giao thông, trường học thuộc các thôn, bon vùng đệm Vườn. Dự kiến đến hết tháng 8/2025, đơn vị sẽ hoàn thành trồng mới thêm 15.000 cây.
Hằng năm, Ban Quản lý Vườn chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, đồng thời triển khai Câu lạc bộ Xanh cho các em học sinh tại các trường trung học cơ sở thuộc vùng đệm, lồng ghép tập huấn nâng cao ý thức chăm sóc và bảo vệ rừng cho người dân tại các buổi họp dân, nhất là người dân sống gần rừng, người dân tộc thiểu số và tham gia bảo vệ, phát triển rừng. Bên cạnh đó, Ban Quản lý Vườn đẩy mạnh kết nối, liên kết với các đơn vị, cá nhân tiếp nhận hỗ trợ cây giống và triển khai trồng rừng.
Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn xã hội JOY FOUNDATION Nguyễn Siêu Hạnh cho biết: “Khi bắt đầu khảo sát vào năm 2023, chúng tôi cảm nhận được sự sẵn sàng của đội ngũ lãnh đạo và toàn thể cán bộ, người quản lý, bảo vệ rừng tại đây trong việc phối hợp, chia sẻ thông tin minh bạch và thật sự mong muốn tạo chuyển biến bền vững cho rừng. Bên cạnh đó, Tà Đùng là một trong những khu vực có tiềm năng rất lớn về du lịch sinh thái. Tôi tin rằng việc bảo vệ rừng ở đây không chỉ là câu chuyện môi trường, mà còn là một phần của phát triển kinh tế địa phương trong tương lai”.
Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giao nhận tiếp vận quốc tế InterLOG cho biết, đơn vị tổ chức phát động chương trình chạy, đi bộ lan tỏa tinh thần sống xanh và phát triển bền vững. Với tổng chiều dài gần 25.000 km được ghi nhận, chương trình quy đổi thành 3.000 cây xanh đóng góp cho hành trình phủ xanh Việt Nam. Và 3.000 cây đầu tiên đã chính thức vươn mầm trên Vườn quốc gia Tà Đùng.
Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Tà Đùng Khương Thanh Long cho biết, ngoài giá trị đa dạng sinh học quý báu do thiên nhiên ban tặng, màu xanh của Vườn còn là thành quả của sự đồng hành, nỗ lực bền bỉ giữa Ban Quản lý cùng các tổ chức, người dân vùng đệm trong việc “vá rừng” để khắc phục những khu vực rừng nghèo kiệt, mảnh rừng bị xâm chiếm trước đây nhằm lấp chỗ trống, phát triển rừng, tăng độ che phủ, tạo hệ sinh thái vườn quốc gia thời gian qua.
Nguồn: Báo Nhân Dân
Link bài bài viết gốc: https://nhandan.vn/chung-tay-va-rung-ta-dung-post891548.html