Để người giữ rừng yên tâm làm nhiệm vụ

logokhongdoi

VƯỜN QUỐC GIA TÀ ĐÙNG

(Ta Dung National Park)

Hãy bảo vệ Tà Đùng để Tây Nguyên thêm xanh và sông Đồng Nai chảy mãi

Trang chủ»Tin tức - Sự Kiện»Để người giữ rừng yên tâm làm nhiệm vụ

Để người giữ rừng yên tâm làm nhiệm vụ

Bài 2: Để người giữ rừng yên tâm làm nhiệm vụ

Vượt qua những khó khăn, vất vả và hiểm nguy, các lực lượng quản lý, bảo vệ rừng ở Tây Nguyên vẫn ngày đêm tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để bảo vệ mầu xanh của rừng. Yêu rừng, gắn bó cả cuộc đời với rừng nhưng trong họ cũng có những điều trăn trở để làm sao vừa bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, vừa làm tròn trách nhiệm với gia đình, người thân…
Cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (Gia Lai) tuần tra bảo vệ rừng.
Cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (Gia Lai) tuần tra bảo vệ rừng.

Ra trường và gắn bó với nghề lâm nghiệp suốt 30 năm qua, đối với ông Nguyễn Hữu Gia, nhân viên quản lý, bảo vệ rừng (Ban Quản lý rừng phòng hộ Ya Hội, huyện Đắk Pơ, Gia Lai), từng con suối, ngọn núi ở những cánh rừng trên mảnh đất Gia Lai không có nơi nào là ông chưa đặt chân tới. Những vị trí then chốt, "điểm nóng" trên lâm phần của đơn vị được ông nắm "trong lòng bàn tay".

Tâm sự người trong cuộc

Hơn nửa đời người làm nghề, từ những ngày đầu khó khăn, vất vả, ông Gia luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo vệ rừng không bị xâm hại. Một số nhân viên lâm nghiệp xin nghỉ việc, ông thể hiện sự thông cảm với họ, vì công việc của những người giữ rừng quá vất vả và nhiều áp lực: "Tôi đã 55 tuổi và có 30 năm trong nghề lâm nghiệp, trải qua không biết bao nhiêu gian nan, thử thách, nhưng vì tình yêu rừng, tâm huyết với nghề, cho nên cố gắng vượt qua".

Ông Trần Thái Nguyên (nhân viên Hạt Kiểm lâm huyện Kbang, Gia Lai) chia sẻ, ông đã gần 60 tuổi, hơn 30 năm trong ngành kiểm lâm, nhưng mới chỉ hai lần được đón Giao thừa ở nhà cùng gia đình. Còn theo anh Nguyễn Đức Thắng, nhân viên quản lý, bảo vệ rừng Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Trạm Lập, huyện Kbang thì cứ dịp nghỉ lễ, nghỉ Tết là lâm tặc lại "tranh thủ" vào rừng… thành ra, lại là thời điểm "căng" nhất của những người bảo vệ rừng. "Năm nào cũng thế, chúng tôi phải động viên vợ con, người thân ở nhà vui xuân, đón Tết, rồi sau đó đơn vị sẽ bố trí cho chúng tôi nghỉ đón Tết sau", anh Thắng cho biết.

Anh Kiều Thế Tình (cán bộ Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Chư Yang Sin, Đắk Nông) chia sẻ, quá trình tuần tra quản lý, bảo vệ rừng, nhiều kiểm lâm viên của vườn bị lâm tặc tấn công gây thương tích. Ngoài ra, lực lượng kiểm lâm còn đối mặt nhiều nguy hiểm khác như bị các đối tượng đặt chông trên đường tuần tra, bản thân và gia đình bị đe dọa…; trong khi đó thu nhập lại thấp, đời sống khó khăn. Vì vậy, khá nhiều người xin nghỉ việc, trong số này có cả những người công tác lâu năm, nhiều cán bộ lãnh đạo hạt trưởng, hạt phó.

Anh Tống Văn Thuyên, người đã 17 năm gắn bó với công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Công ty lâm nghiệp Krông Bông (Đắk Lắk) trải lòng: "Khó khăn, vất vả, nguy hiểm, nhưng cơ chế, chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng. Khi bị lâm tặc tấn công gây thương tích hay bị tai nạn trong lúc thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi cũng không được hưởng các chế độ như những ngành nghề khác. Chính những bất cập này khiến những người quản lý, bảo vệ rừng dù có yêu nghề đến mấy cũng khó gắn bó với nghề. Khi có cơ hội xin một công việc khác là phần lớn bỏ việc ngay".

Anh Ngô Đức Liên, nhân viên Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Chư Yang Sin (Đắk Lắk) băn khoăn: Áp lực giữ rừng hiện nay rất căng thẳng, các đối tượng luôn tìm mọi cách xâm nhập vào vườn quốc gia để khai thác gỗ và săn bắn động vật rừng. Để bảo vệ những cánh rừng còn lại, lực lượng kiểm lâm của Vườn phải đổ cả máu. Thế nhưng khi xảy ra vụ việc lâm tặc tấn công bị thương, đơn vị liên hệ với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk để giải quyết chế độ thương binh thì được trả lời là phải bắt được đối tượng và phải có bản án của tòa (!). Sau khi xảy ra vụ việc, công an đã vào cuộc điều tra nhưng đến nay chưa tìm ra đối tượng.

Tiếp lửa cho người giữ rừng

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông Phạm Tuấn Anh cho biết, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm giữ chân, tạo điều kiện tiếp sức cho người lao động tham gia, cống hiến cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cần có những cơ chế phù hợp, trong đó phải bảo đảm nguồn thu nhập để họ có thể sống bằng nghề. Theo đó, Chính phủ cần có chính sách đặc thù, hỗ trợ lực lượng quản lý, bảo vệ rừng nhằm bảo đảm chế độ đãi ngộ, có phụ cấp thâm niên nghề, có tiền lương ổn định. Ngoài ra, Chính phủ cần sửa đổi, bổ sung các quy định, chế tài phù hợp trong việc xử lý hành chính, bảo đảm đủ sức răn đe; tạo điều kiện cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thực thi nhiệm vụ; cho phép lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng được sử dụng công cụ hỗ trợ kịp thời bảo vệ tài sản của Nhà nước và bảo vệ bản thân…

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng Nguyễn Văn Sơn, lực lượng làm công tác bảo vệ rừng được giao trách nhiệm rất nặng nề nhưng chức năng, quyền hạn rất hạn chế (không được bắt giữ người và phương tiện vi phạm khi phát hiện được vi phạm); điều kiện làm việc thiếu thốn, vất vả; trong quá trình làm việc, lực lượng bảo vệ rừng luôn đối mặt với sự chống đối của các đối tượng phá rừng; nhiều trường hợp bị đối tượng vi phạm hành hung phải nhập viện hoặc đến nhà riêng hăm dọa. "Ngoài việc điều chỉnh tăng mức lương cơ bản nhằm cải thiện thu nhập, nâng mức sống cho những người trực tiếp bảo vệ rừng (lương kỹ sư lâm nghiệp mới vào làm chỉ được 3,8 triệu đồng/tháng, chưa tính đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế), cần có chính sách đãi ngộ cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng được hưởng các chế độ như chế độ thu hút đặc biệt, chế độ ưu đãi, chế độ thâm niên, phụ cấp công vụ, phụ cấp nguy hiểm khó khăn… Thiết nghĩ, cần hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị chủ rừng để mua sắm trang thiết bị, phương tiện; trang bị công cụ hỗ trợ nhằm phục vụ và nâng cao hiệu quả của công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng, ông Sơn đề nghị.

Giám đốc Vườn quốc gia Tà Đùng (Đắk Nông) Khương Thanh Long cho rằng, các cấp có thẩm quyền cần đánh giá khách quan, toàn diện với nhiệm vụ công việc, điều kiện làm việc để từ đó có cơ chế, chính sách đặc thù, tăng thêm thu nhập; cần tạo cơ chế mở, "cởi trói" cho các đơn vị lâm nghiệp phát triển kinh tế rừng theo phương án phát triển rừng bền vững để có nguồn thu, tăng thu nhập cho người lao động.

Ông Nguyễn Văn Hoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai đề xuất: "Trong khi chờ những cơ chế chính sách thì giải pháp căn cơ để làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng là sự vào cuộc tham gia của hệ thống chính trị từ cấp huyện, xã và của cả các cơ quan bảo vệ pháp luật; có như vậy, những người làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng mới cảm thấy không đơn độc, được bảo vệ. Chúng tôi cũng đang kiến nghị để nghề bảo vệ rừng được công nhận là nghề đặc biệt nguy hiểm".

Nguồn: Nhóm PVTT Tây Nguyên - Báo Nhân dân

(https://nhandan.vn/bai-2-de-nguoi-giu-rung-yen-tam-lam-nhiem-vu-post711522.html)

Fanpage

Bản Đồ

 

3.logo-OPT1

banner tinh daknong

snn

Picture1

Vườn Quốc Gia Tà Đùng

 

Cơ quan quản lý: Ban quản lý Vườn quốc gia Tà Đùng

Giấy phép: Số 158/GPTTĐT-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Nông cấp ngày 04/10/2021

Chịu trách nhiệm về nội dung: Ông Khương Thanh Long - Giám đốc - Trưởng Ban biên tập

Địa chỉ: Xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông

Email: [email protected]

Fanpage: Facebook.com/vuonquocgiatadung.vn

SĐT liên hệ: 098.8536818

 

Thống kê truy cập