Việc hỗ trợ cộng đồng vùng đệm bằng những công trình, dự án thiết thực đã được Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng thực hiện nhiều năm nay như hệ thống đèn đường năng lượng mặt trời, đường giao thông...
Du khách thích thú chụp ảnh lưu niệm bên Hồ Tà Đùng. (Ảnh: Nguyễn Việt Dũng/TTXVN)
Theo Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng, sự hỗ trợ, ủng hộ của cộng đồng, cư dân vùng đệm là một yếu tố quan trọng để đơn vị hoàn thành nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
Bởi lẽ, như Bác Hồ từng nói, “dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong.”
Ưu tiên hỗ trợ vùng đệm
Thực hiện Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/07/2022 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, đầu tháng 7/2024, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng đã hoàn thành hỗ trợ cộng đồng vùng đệm cho 31 thôn, bon thuộc các xã Đắk R’Măng, Đắk Som (tỉnh Đắk Nông) và các xã Phi Liêng, Đạ K’Nàng, Phúc Thọ, Tân Thanh, Định Trang Thượng (tỉnh Lâm Đồng).
Trong đó, Ban đã phối hợp với các bên liên quan thực hiện 28 công trình hệ thống đèn đường năng lượng mặt trời, xây dựng 3 công trình công cộng với tổng kinh phí gần 1,25 tỷ đồng.
Nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước theo Chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững năm 2024 (đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông phê duyệt tại Quyết định số 1718/QĐ-UBND, ngày 13/12/2023, với mức hỗ trợ 40 triệu đồng/thôn, bon/năm).
Việc hỗ trợ cộng đồng vùng đệm bằng những công trình, dự án thiết thực đã được Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng thực hiện nhiều năm nay. Trong đó, năm 2023, đơn vị cũng đã hỗ trợ 26 công trình cộng đồng cho các xã vùng đệm (bao gồm: xây dựng cổng chào, hệ thống đèn đường năng lượng mặt trời, xây dựng công trình đường giao thông nông thôn...) với tổng kinh phí 1,04 tỷ đồng.
Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng trao bảng biểu trưng hỗ trợ cộng đồng vùng đệm năm 2024. (Ảnh: Nguyễn Văn Dũng/Vietnam+)
Theo Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng, vùng đệm của đơn vị có diện tích khoảng 25.000ha nằm trải dài trên địa giới hành chính ở 7 xã, thuộc 2 tỉnh Đắk Nông, Lâm Đồng. Trên lâm phần đơn vị được giao quản lý có địa hình phức tạp, nhiều diện tích rừng tự nhiên tiếp giáp đất đai người dân có lịch sử canh tác từ lâu đời. Vì vậy, việc thực hiện có hiệu quả chương trình hỗ trợ cho cộng đồng vùng đệm giúp cải thiện cuộc sống, kinh tế cho người dân sống gần rừng, từ đó góp phần giảm áp lực lên tài nguyên rừng, đất rừng.
Bên cạnh đó, thông qua hỗ trợ phát triển kinh tế, việc triển khai chính sách hỗ trợ và phát triển vùng đệm cũng nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức cộng đồng, thúc đẩy sự tham gia của người dân vùng đệm vào nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, lồng ghép tuyên truyền vào các buổi họp dân để người dân sinh sống gần rừng có cái nhìn đúng về những tác hại của việc phá rừng, khai thác trái phép tài nguyên rừng và những lợi ích của việc bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học đem lại.
Trong giai đoạn 2021-2025, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng tập trung hỗ trợ đầu tư cho cộng đồng dân cư vùng đệm nâng cao năng lực phát triển sản xuất (bao gồm các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, cung cấp cây giống, con giống, thiết bị chế biến nông lâm sản quy mô nhỏ…); hỗ trợ vật liệu xây dựng cho thôn bản (đối với các công trình công cộng của cộng đồng như nước sạch, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc, đường giao thông thôn bản, nhà văn hóa...).
Đồng hành thực hiện nhiệm vụ chung
Ông K’Ting, Trưởng bon B’SrêA, xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông chia sẻ, trong thời gian qua, ngoài việc hỗ trợ, chăm lo đời sống cho bà con vùng đệm, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng cũng thường xuyên tham gia nhiều hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về rừng cho bà con trong bon. Điều này vừa đem đến sự phấn khởi cho bà con, tạo nên sự gần gũi, vừa giúp nâng cao nhận thức của bà con về rừng, về những việc cụ thể, đơn giản nên và không nên làm. Bà con trong bon luôn động viên gia đình và tự nhắc nhở bản thân tích cực bảo vệ rừng, coi việc bảo vệ rừng như bảo vệ chính môi trường sống của bản thân và cộng đồng.
Đại diện Ban quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng luôn tham gia họp các thôn, bon để hướng dẫn các nội dung được hỗ trợ và các nội và thực hiện các cam kết bảo vệ rừng. Các thôn, bon đã ký cam kết bảo vệ rừng, trong đó, cam kết thực hiện đúng quy định Luật phòng cháy và chữa cháy; Luật Hình sự; Luật Đa dạng Sinh học; Luật Lâm nghiệp; một số Nghị định của Chính phủ về quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, bảo vệ động vật hoang dã, tham gia quản lý bảo vệ rừng và cam kết sử dụng hiệu quả kinh phí ngân sách Nhà nước hỗ trợ đầu tư cho cộng đồng…
Vườn Quốc gia Tà Đùng mang vẻ đẹp hoang sơ bậc nhất tỉnh Đắk Nông nói riêng, Tây Nguyên nói chung.
(Ảnh: Nguyễn Việt Dũng/Vietam+)
Ông Khương Thanh Long, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng, chia sẻ để nâng cao hiệu quả phương án quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, Ban đang tiếp tục đổi mới cách thức hoạt động theo hướng tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trình độ của người dân sinh sống tại vùng đệm. Trọng tâm là thông qua các buổi tuyên tuyền, lồng ghép tuyên truyền vào các buổi họp dân; tăng cường chăm lo cho đời sống của người dân vùng đệm…
Đối với đơn vị, bên cạnh lực lượng chuyên trách thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng thì mục tiêu quan trọng là lấy dân làm gốc, mượn sức dân để đồng hành thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng theo lời dạy của Bác Hồ “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong.”
Thực tế cho thấy, càng làm tốt công tác dân vận, càng nhận được sự đồng lòng, ủng hộ của người dân, công tác quản lý, bảo vệ rừng càng đạt được nhiều kết quả tích cực. Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng xác định sự hỗ trợ, ủng hộ của cộng đồng, cư dân vùng đệm là một yếu tố quan trọng để đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Ban Quản lý Vườn quốc gia Tà Đùng là đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo chi thường xuyên trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông. Tổng diện tích của Ban Quản lý Vườn quốc gia Tà Đùng là 20.318,5ha. Nhiệm vụ trọng tâm của Ban Quản lý Vườn quốc gia Tà Đùng là bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có; khoanh nuôi, tái sinh, phục hồi rừng; làm giàu rừng tự nhiên; gây ươm các loài cây bản địa, đặc hữu quý hiếm để trồng rừng mới, nâng cao độ che phủ rừng và đảm bảo an ninh môi trường. Qua đó, nâng cao khả năng phòng hộ của rừng về giữ nước, hạn chế xói mòn, lũ lụt, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần ổn định sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân vùng hạ lưu. Bên cạnh đó, Ban Quản lý Vườn quốc gia Tà Đùng cũng được giao nhiệm vụ thực hiện chính sách về dịch vụ môi trường rừng; tổ chức giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; tổ chức các hoạt động quản lý bảo vệ, bảo tồn và phát triển các nguồn gien quý, hiếm; cứu hộ động vật hoang dã; nghiên cứu khoa học; đào tạo phát triển nguồn nhân lực; khai thác các tiềm năng, lợi thế về du lịch sinh thái, cảnh quan, dịch vụ môi trường và các giá trị đa dạng sinh học để tăng nguồn thu cho đơn vị, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trong vùng./. |
Nguồn: VietNam+
Link bài viết gốc: https://www.vietnamplus.vn/ho-tro-vung-dem-nang-cao-hieu-qua-bao-ve-rung-bao-ton-da-dang-sinh-hoc-post992813.vnp#google_vignette (12/11/2024 - 21:00)