Ngày 21/1/2025, Ban quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng phối hợp với trường Đại học Tây Nguyên tổ chức Hội thảo “Tham vấn đề xuất các giải pháp bảo tồn loài Chè tại Vườn Quốc gia Tà Đùng”. Dự hội thảo có các đại biểu của trường Đại học Tây Nguyền, Ban quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng, đại diện các Sở, Ban, Ngành có liên quan và các chuyên gia, nhà khoa học.
Đồng chí Khương Thanh Long, Giám đốc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Tà Đùng phát biểu khai mạc Hội thảo
Tại Hội thảo, các ý kiến của tham luận của các đại biểu, chuyên gia và nhà khoa học tập trung làm rõ các vấn đề về đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu các loài Chè phân bố tại Vườn quốc gia Tà Đùng, xác định giá trị và đề ra các giải pháp bảo tồn, phát triển có hiệu quả”; Phân tích cấp tuổi đánh giá định danh và đặc điểm cấu trúc lâm phần các loài chè cổ phân bố tại Tà Đùng; Phân tích vùn phân bố của các loài Chè tại VQG Tà Đùng;…
Các chuyên gia và nhà khoa học tập trung làm rõ các vấn đề
Với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết các tham luận tại Hội thảo đã thể hiện những đóng góp chuyên sâu, có thực tiễn và sinh động về loài Chè tại Vườn Quốc gia Tà Đùng và giá trị khoa học của loài Chè có nguồn gốc từ Vườn Quốc gia. Đây là nguồn tài liệu quý cho xây dựng cơ sở dữ liệu về các loài chè tại VQG Tà Đùng, bao gồm định danh, phân bố, sinh thái và dự báo phân bố dưới tác động biến đổi khí hậu. Đồng thời, nghiên cứu thành phần và hoạt tính sinh học của các loài chè dược liệu tiềm năng đề xuất giải pháp bảo tồn bền vững và phát triển các loài chè.
Theo kết quả điều tra, Tại VQG Tà Đùng, các loài chè đã ghi nhân được 06 loài và 02 thứ, trong đó có nhiều loài có tiềm năng về công dụng và dược tính; ghi nhận 7 cá thể chè có độ tuổi đo được trên 100, cao nhất 123 tuổi thuộc về chè cám. Bên cạnh đó, xác định được yêu cầu sinh thái đặc trưng và đặc điểm phân bố của các loài chè tại vùng nghiên cứu; xác định phân bố tiềm năng của loài dưới ảnh hưởng của các kịch bản biến đổi khí hậu và các nhân tố tác động liên quan; đề xuất giải pháp bảo tồn bền vững và phát triển các loài chè tại Vườn Quốc gia Tà Đùng;...
Các đại biểu, chuyên gia và nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm tại Hội Thảo
Vườn Quốc gia Tà Đùng có hệ thực vật đa dạng, phong phú với hơn 1.400 loài thực vật với 89 loài thực vật có nguy cơ bị tuyệt chủng, 59 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam; khoảng 650 loài động vật với 70 loài nguy cấp quý hiếm, 61 loài được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam. Trong đó, có nhiều loài cây thuốc có giá trị như: lan kim tuyến, nấm ngọc cẩu, nấm linh chi,… Thời gian qua, Vườn Quốc gia Tà Đùng đã phối hợp với nhiều đơn vị tiến hành nghiên cứu khoa học về các loại dược liệu tại Tà Đùng, xây dựng vườn thực vật, tổ chức các hội thảo khoa học,…
Tin, ảnh: BQL Vườn Quốc gia Tà Đùng